XÂY NHÀ NGÀN ĐIỀU CẦN BIẾT PHẦN 1

Nội dung bài viết
Nội dung bài viết

Công Tác Chuẩn Bị 

Trước khi bắt đầu, chúng tôi xin tóm tắt những bước quan trọng để xây dựng nên căn nhà của anh chị như sau:
Các bước ngang hàng thường được tiến hành song song nhau, trong đó khâu chiếm phần lớn thời gian công sức, chi phí và mang tính quyết định sẽ nằm ở bước 04 và bước 07. 
Ngay sau đây, chúng ta sẽ tuần tự đi vào chi tiết thực hiện các bước. 

I. Xác Định Nhu Cầu 

Xác định số người, độ tuổi và thời gian lưu trú trong gia đình 

Một trong những việc quan trọng nhất trong một công trình kiến trúc là xác định đối tượng sử dụng và mục đích sử dụng của công trình. Đối với công trình nhà ở cũng vậy. Chúng ta cần xác định những ai sẽ ở trong ngôi nhà này, độ tuổi, giới tính, sở thích, thậm chí là lịch trình sinh hoạt hằng ngày. 
Anh chị cần ghi ra đầy đủ và rõ ràng các thông tin này bởi chúng cực kỳ quan trọng, giúp xác định các thành phần cơ bản cần có của ngôi nhà, giúp cho kiến trúc sư đưa ra thông tin tư vấn và phương án thiết kế phù hợp nhất cho từng thành viên trong gia đình. 
Thành phần của một gia đình phổ biến ở Việt Nam như sau: 
-    Ông bà: Thường sẽ cần một phòng ngủ ở tầng trệt do việc lên xuống cầu thang gặp khó khăn vì vấn đề tuổi tác. 
-    Vợ chồng gia chủ: Thường sẽ là phòng ngủ đẹp nhất, rộng nhất và tiện nghi nhất trong nhà (thường gọi là phòng master). 
-    Con cái: Tùy theo độ tuổi, giới tính và giới hạn ngân sách cũng như diện tích có thể cho hai con ở chung một phòng hoặc mỗi con một phòng riêng, có vệ sinh riêng hoặc chung. 
-    Gia nhân: Nếu gia đình có người giúp việc ở lại thì cần thêm một phòng ngủ nhỏ. 
-    Ngoài ra, nếu gia chủ có nhiều bạn bè, người nhà hay ghé thăm thì nên chuẩn bị trước một phòng ngủ cho khách ở lại qua đêm khi cần thiết. 
Đây là ví dụ về số thành viên trong một gia đình điển hình ở Việt Nam, tùy theo thực tế gia đình anh chị, hãy viết ra cụ thể. 

Xác định nhu cầu sử dụng của gia đình 

Sau khi xác định số nhân khẩu, anh chị cần làm rõ các nhu cầu khác của gia đình, việc này cũng ảnh hưởng nhiều đến công tác thiết kế cũng như quy mô, chi phí xây dựng. Nên lường trước và đánh giá những sở thích, nhu cầu của gia đình xem có thực sự cần thiết? Có cần các không gian riêng để phục vụ các nhu cầu ấy hay không? 
Những nhu cầu cơ bản nên được bàn bạc trước với KTS như: 
-    Tôn giáo của gia đình là gì? – Liên quan đến việc bố trí phòng thờ, không gian thờ, bàn thờ ông táo, bàn thờ thổ địa... 
-    Có xe ô tô hay không? Nếu sử dụng xe máy thì có thường xuyên dắt vào nhà hay không? – Liên quan đến việc bố trí sân, gara để xe. 
-    Có thường xuyên tiếp khách hay không? – Liên quan đến việc bài trí phòng khách, phòng ngủ phụ cho khách... 
-    Có thường xuyên nấu ăn, đãi tiệc, làm bánh ở nhà hay không? – Liên quan đến việc bố trí tiện ích bếp, phòng ăn. 
-    Ngoài phòng vệ sinh riêng cho phòng master, mỗi phòng con nhỏ có cần phòng vệ sinh riêng hay không? – Liên quan đến số lượng phòng vệ sinh. 
-    Có thường xuyên làm việc hay xem ti vi (TV) trong phòng ngủ hay không? – Liên quan đến việc bố trí vật dụng phòng ngủ. 
-    Nhu cầu lưu trữ đồ ít sử dụng của gia chủ nhiều hay không? – Liên quan đến việc bố trí kho, tủ chứa đồ. 
-    Tình hình an ninh của khu vực xây dựng công trình như thế nào? – Liên quan đến việc bố trí tường rào, hệ thống báo động an ninh. 
Và bất cứ nhu cầu gì khác, anh chị đừng ngại trao đổi với KTS. 
Ngoài những phòng đáp ứng nhu cầu cơ bản trên, ngôi nhà còn nhiều loại phòng chức năng để phục vụ những nhu cầu khác nhau của gia đình. 

Một vài không gian chức năng phổ biến trong thiết kế nhà ở: 

- Phòng thờ: Phục vụ việc thờ cúng, tùy theo tôn giáo và cách sinh hoạt sẽ có diện tích và cách bố trí khác nhau. 
- Phòng giải trí: Phục vụ nhu cầu giải trí như karaoke, xem phim, nghe nhạc... Ở các gia đình hiện đại với chất lượng sống ngày càng cao thì đây cũng là một trong những phòng thường được đầu tư khá nhiều kinh phí. Cần xác định mục đích chính là xem phim hay karaoke để có thiết kế nội thất phù hợp. 
- Phòng sinh hoạt chung: Đây là một dạng phòng thường xuyên xuất hiện trong các bản vẽ thiết kế cũ, nó đơn giản chỉ là một không gian trống nằm ở các tầng trên, mục đích là ngồi chơi thư giãn hay xem ti vi khi phòng khách đang được sử dụng. Phòng sinh hoạt chung trong các thiết kế mới thường bị lược bỏ để phần diện tích này cho giếng trời, phòng chức năng cụ thể như phòng làm việc, phòng học, phòng đọc sách ... 
- Phòng Gym – Yoga: Đây là phòng dành cho những gia đình ưa thích các hoạt động thể thao tại nhà, đặt các máy chạy bộ, các trang thiết bị tập thể dục hoặc đơn giản chỉ là một phòng trống để tập yoga hoặc thiền... 
Ngoài ra còn nhiều dạng phòng, không gian chức năng đặc thù khác tùy theo nhu cầu sử dụng của gia chủ: phòng xông hơi, phòng làm việc, học tập, đọc sách riêng biệt, hầm rượu, phòng trà, phòng trưng bày... 

Các tiện ích khác 

Ngày càng có rất nhiều tiện ích mới, hiện đại nhằm phục vụ nhu cầu sống của con người, tuy nhiên anh chị cũng cần đánh giá ưu nhược điểm của chúng trước khi lựa chọn có sử dụng trong nhà mình hay không vì đôi khi chỉ vì chạy theo xu hướng, ham muốn tức thời mà lợi bất cập hại. Sau đây là một vài hệ thống thường được lắp đặt trong nhà ở hiện nay: 

Điện mặt trời: 

Anh chị chỉ cần tìm kiếm trên Internet về điện mặt trời sẽ thấy vô cùng nhiều thông tin. Tuy nhiên, việc lắp đặt và sử dụng điện mặt trời cho gia đình đang là vấn đề gây tranh luận khá nhiều. Điện mặt trời có chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng bù lại, anh chị có thể tiết kiệm rất nhiều tiền điện hàng tháng, lượng điện còn dư có thể bán lại cho nhà nước. Tuy nhiên điện mặt trời lại bị phụ thuộc nhiều bởi điều kiện thời tiết và thời điểm tạo ra điện. Vào buổi tối, khi hầu hết các gia đình sử dụng điện nhiều nhất thì điện mặt trời lại không tạo ra điện, chúng ta vẫn phải sử dụng điện lưới hoặc điện lưu trữ được từ ban ngày. Vấn đề lớn nhất nằm ở đây, hiện nay công nghệ pin lưu trữ còn kém hiệu quả, giá thành cực kỳ cao, việc lưu trữ điện để dùng cho cả buổi tối là không khả thi. Do đó, điện mặt trời tại thời điểm này chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi lượng điện tiêu thụ vào ban ngày của anh chị lớn, đặc biệt hiệu quả cho các hộ kinh doanh, làm việc tại nhà hoặc ban ngày ở nhà có đông người. Sau một thời gian sử dụng, hệ thống điện mặt trời cũng cần được vệ sinh và bảo trì, bảo dưỡng, hiệu năng cũng bị giảm dần theo thời gian. Do đó, anh chị nên cân nhắc xem có cần đầu tư hệ thống điện mặt trời tại thời điểm hiện tại hay không? 
Trong trường hợp còn lưỡng lự, anh chị có thể yêu cầu thiết kế sẵn hệ thống chờ để đấu nối điện mặt trời trong tương lai, khi công nghệ phát triển hơn, giả thành hợp lý hơn thì đầu tư lắp đặt vẫn chưa muộn. 
Chi phí khoảng 16 - 20 triệu đồng cho 1kWp, một gia đình thường lắp tối thiểu 3-5kWp. 
       
ƯU ĐIỂM NHƯỢC ĐIỂM
  • Tạo được nguồn năng lượng tái tạo trong sử dụng. 
  • Không tốn chi phí sử dụng điện năng vào ban ngày. 
  • Có thể bán lại điện cho nhà nước để thu hồi vốn phụ thuộc chính sách tại từng thời điểm. 
  • Chi phí đầu tư lớn. 
  • Hiện chưa hiệu quả do chi phí pin quá cao, điện mặt trời chỉ dùng được ban ngày. 
  • Hiệu suất giảm dần theo thời gian.
  • Tốn thêm thời gian, công sức cho việc vệ sinh, bảo trì, sửa chữa định kỳ. 
  • Chính sách thay đổi liên tục

Thang máy: 

Thang máy là hệ thống giao thông đã có từ lâu, trước đây hầu như chỉ xuất hiện trong các công trình công cộng 4 – 5 tầng trở lên. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thang máy ngày càng được sử dụng nhiều trọng nhà ở dân dụng. 
Thang máy rất tiện lợi trong trường hợp nhà anh chị có nhiều tầng hoặc gia đình có người già không tiện di chuyển nhiều. Anh chị nên lưu ý là chi phí để đầu tư hệ thống thang máy là khá lớn, đó là chưa kể công trình phải có hệ kết cấu vững chãi hơn bình thường để có thể lắp đặt thang máy (đồng nghĩa với chi phí xây dựng phần thô tăng cao hơn), ngoài ra còn chi phí bảo trì, sửa chữa, tiền điện. Theo chúng tôi, nếu nhà anh chị dưới bốn tầng thì không cần đầu tư thang máy, nếu nhà có người già không tiện đi lại thì có thể làm việc với KTS để bố trí phòng ngủ của ông bà (và phòng thờ nếu điều kiện không gian cho phép) ở ngay tầng trệt của ngôi nhà. Các trường hợp khác, anh chị có thể tham khảo ý kiến tư vấn của KTS. 
Chi phí dành cho một hệ thống thang máy dao động từ 250 triệu (hàng Việt Nam) đến 1 tỷ (hàng nhập buồng kính), số tầng tối ưu để lắp đặt là > 4 tầng. 
ƯU ĐIỂM NHƯỢC ĐIỂM
  • Sử dụng tiện lợi, nhất là nhà có người già và nhiều tầng. 
  • Tạo điểm nhấn thú vị trong không gian nội thất.  
  • Chi phí đầu tư lớn. 
  • Chiếm diện tích, nhất là với nhà nhỏ.
  • Tốn thêm chi phí duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa. 
  • Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. 
 

Nhà thông minh (hay điện thông minh): 

Là một tổ hợp gồm rất nhiều hệ thống đi kèm có thể tự động hoặc bán tự động, thay thế chủ nhà điều khiển toàn bộ ngôi nhà thông qua điện thoại thông minh hoặc bảng điều khiển trong nhà, nhờ ứng dụng các công nghệ như hồng ngoại, wifi, bluetooth, IoT, công nghệ đám mây... 
Nhà thông minh có thể tự động giúp anh chị làm rất nhiều công việc khác nhau như: Tự động bật tắt theo giờ hay theo cảm biến các hệ thống: điện, máy lạnh, rèm cửa...; Tự động báo cáo về những bất thường xảy ra trong nhà như có chuyển động ở khu vực cần được cảnh báo, báo động cửa chưa đóng...; Ra lệnh bằng giọng nói hoặc bật tắt đèn, thiết bị bằng cảm biến chuyển động, âm thanh. Tất cả các công nghệ này sẽ giúp cuộc sống của anh chị tiện nghi hơn mà chi phí cũng không quá cao. Tuy nhiên, chắc anh chị cũng biết, mọi thứ đều có rủi ro và hạn sử dụng, trong ngôi nhà của anh chị có quá nhiều hệ thống thì đồng nghĩa với khả năng xảy ra trục trặc càng lớn. Thêm vào đó, mọi hoạt động của nhà thông minh đều có kết nối với Internet, điều đó có nghĩa là hệ thống hoàn toàn có thể bị hack bằng nhiều cách khác nhau. Chắc anh chị không muốn người khác chiếm quyền điều khiển ngôi nhà mình đâu, đúng không? 
 
Vậy nên, nếu anh chị là người yêu thích và am hiểu công nghệ thì có thể cân nhắc việc sử dụng các hệ thống này, còn nếu là người có tiêu chí sống đơn giản hoặc không rành về công nghệ thì tốt nhất nên bỏ qua. Đối với những căn nhà ở khu vực có an ninh không được tốt, chúng tôi khuyên anh chị chỉ cần lắp đặt hệ thống an ninh thông minh bên ngoài nhà là đủ. Việc lạm dụng nhà thông minh đối khi khiến anh chị ít vận động và stress hơn trong chính ngôi nhà của mình do tác động không mong muốn do các thiết bị điện tử mang tới. 
Chi phí lắp đặt dao động lớn do số lượng tiện ích mà anh chị lựa chọn. Thông thường mức chi phí thích hợp khoảng trên 25 triệu cho đến hàng trăm triệu đồng. 
Một vài thương hiệu nhà thông minh anh chị có thể tham khảo: BKAV, FPT, Lumi, Xiaomi... 
ƯU ĐIỂM NHƯỢC ĐIỂM
  • Trải nghiệm đặc biệt thú vị cho những người yêu công nghệ.
  • Tiện lợi trong việc sử dụng. Có thể điều khiển thiết bị điện ở bất cứ đâu.
  • Tăng cường việc đảm bảo an ninh, tăng khả năng quản lý cho gia chủ. 
  • Chi phí đầu tư không cao tuy nhiên rất dễ trục trặc hoặc mất kết nối.
  • Dễ gặp phiền toái nếu không rành và yêu thích công nghệ.
  • Tiềm ẩn nguy cơ bị tin tặc xâm nhập vào hệ thống, đặc biệt là hệ thống camera, cửa an ninh. 
 

Hệ thống điều hòa trung tâm:

     Giải thích cho dễ hiểu thì hệ thống điều hòa trung tâm thường chỉ gồm một máy (hay còn gọi là dàn nóng) trung tâm, sau đó phân phối lạnh đến toàn bộ các khu vực khác trong nhà thông qua các dàn lạnh (thường là âm trần). Ưu điểm là có tính thẩm mỹ cao (ở trong phòng chỉ thấy các khe gió âm trần, không còn các dàn lạnh treo tường như thông thường), khả năng khử âm tốt (ít ồn hơn so với máy lạnh truyền thống), tiết kiệm năng lượng hơn nếu tần suất sử dụng nhiều (thường xuyên sử dụng trên 50% công suất máy), phù hợp cho các không gian lớn muốn sử dụng máy lạnh như phòng khách, bếp ăn, phòng sinh hoạt chung... 
Tuy nhiên hệ thống lạnh trung tâm chỉ thích hợp với các công trình có quy mô lớn, tần suất sử dụng nhiều do chi phí lắp đặt khá cao, thời gian thi công lâu hơn, cao độ mỗi tầng nhà cần cao hơn bình thường khoảng 20 – 40cm để dễ dàng cho việc thi công đường ống kỹ thuật và lắp đặt các dàn lạnh âm trần, nếu máy trung tâm bị trục trặc thì toàn bộ ngôi nhà cũng sẽ bị ảnh hưởng. 
Lời khuyên là nếu công trình của anh chị lớn (dạng biệt thự lớn, nhiều phòng), không gian sử dụng rộng, tần suất sử dụng cao, kinh phí dư dả thì nên cân nhắc sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm để đạt được tối đa những lợi ích mà nó mang lại so với máy lạnh thông thường. 
Chi phí khoảng 400 – 600 triệu cho đến 1 tỷ VNĐ đối với biệt thự lớn, diện tích tối ưu để lắp đặt là >300m2. 
Một vài thương hiệu dàn lạnh anh chị có thể tham khảo: Daikin, Mitsubishi... 
ƯU ĐIỂM NHƯỢC ĐIỂM
  • Làm lạnh hiệu quả, công suất lớn.
  • Thẩm mỹ cao.
  • Độ ồn thấp. 
  • Ít hỏng hóc. 
  • Hiệu quả năng lượng nếu tần suất sử dụng trung bình luôn trên 50% công suất. 
  • Chi phí đầu tư cao hơn máy lạnh thông thường rất nhiều. 
  • Thời gian thi công lâu. 
  • Không phù hợp cho không gian nhỏ, trần thấp. 
  • Nếu thường xuyên chạy ở công suất thấp (dưới 50%) sẽ gây lãng phí điện hơn máy lạnh thông thường. Nếu dàn nóng hỏng hóc sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ công trình. 

bài viết liên quan

dự toán chi phí xây nhà

ý kiến của khách hàng

dự toán chi phí xây nhà